Kỉ niệm, đó là tất cả những gì mình có, là tài sản mà mình được sở hữu từ ngôi nhà có tên ba mẹ trong sổ đỏ. Số nhà 160 QL1A, tổ 3, khu 8, Thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai, căn nhà này đã biết quá rõ về mình suốt 18 năm mình đã ở đây. Đến năm mình 19, tự dưng đến cái ngày mà từ Thủ Đức về xe bỏ mình xuống ngay bên lề đường phía bên kia nhưng mình không vào, rằng cái khoảnh khắc đó, cái giây phút mình đứng bên này lề đường nhìn vào ngôi nhà mà mình ngỡ mình thấy được một hành trình dài mình đã lớn lên như thế nào trong chính ngôi nhà đó và mình nhận ra, mình đã 18 tuổi.
Ba mẹ cất căn nhà này từ trước khi mình ra đời 6 năm, mình không biết liệu ngày đó mình có bỏ sót ngóc ngách nào hay không nhưng suốt 18 năm mình ở đây, ngôi nhà này- cũng như mọi thứ xung quanh đã thay đổi diện mạo rất rất nhiều lần. Nhiều đến nỗi cứ thoáng chốc kí ức của mình về ngôi nhà đôi khi nó không trùng khớp về mặt địa lí, nó làm mình ngờ ngợ mình dường như chưa đủ đầy yêu thương và niềm quan tâm với nơi mình lớn lên. Ngày xưa hai bên hông nhà mình là hai cái hố sâu, tuy nó không đủ sâu để mình và anh em mình gãy tay bầm mặt khi một ngày ngã xuống đó 3-4 lần nhưng nó sâu đủ để mỗi lần chìm vào giấc ngủ sâu, một cú ngã chới với xuống đó đủ để anh em mình tỉnh dậy với một cái lưng đẫm mồ hôi, mồ hôi lan ra cả một cái bao gối. Trong cái sự ướt át đó thì để dám chắc là chỉ có mồ hôi làm ướt hay không thì mình cũng không dám. Nhưng trong chính cái hố đó không chỉ có nỗi ám ảnh mà nó còn là nơi "nghĩa xóm tình làng" giữa ba nhà kề nhau ở một cái khu nằm ngoài đường lộ không có vỉa hè, vì mọi người không đủ siêng năng để vòng qua cái hố rồi né xe này xe kia vượt nhau ở đường lộ để rủ rỉ tám chuyện với nhau một ngày mấy bận. Con nít chơi với con nít, các mẹ chơi với các mẹ, mấy bố chơi với nhau.
Để nói về những ngày bé của mình thì chắc sẽ không có gì nhiều để nói nếu như ngày bé của mình không có anh mình, là anh giữa chứ không phải anh lớn của mình. Vì khi mà hai anh em nhỏ của mình còn đi rong ruổi trong trời nắng chang chang cưỡi lên hết cây điều này đến cây điều khác thì anh lớn mình đã ăn no và phải tranh thủ ngủ ngấu nghiến cái buổi trưa ngắn ngủi để học tiếp buổi chiều. Mình không thể nói chắc nhưng mình biết anh lớn mình có một cái trọng trách rất lớn, một cái trọng trách mà khiến cho anh em nhỏ mình có đủ niềm tin rằng mọi chuyện không có gì quá khó khăn với anh cả, mọi việc đều có thể xong xuôi mà không cần đến nỗi lo lắng và sợ hãi của hai đứa em đằng sau.
Mình cũng không biết kêu anh mình như nào mới thật thoải mái ngoài kêu rằng là anh Toàn vì mình đã từng nói nhà mình không gọi anh em theo vai vế trong nhà, rằng là anh hai, anh ba thay vào đó anh em thấy xưng hô tên nhau là một cách rất thoải mái và không có khoảng cách nhiều giữa anh em trong nhà với nhau. Và với mình, một điều mà mình rất ngại nói ra rằng mình cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời vì mình có đến tận hai trai. Chẳng hạn như bố mẹ có bực bội mắng chửi thì cũng mắng hai anh đầu tiên, nếu có xây này xây kia thì hai anh sẽ là người làm cùng với ba trong khi mình cũng chỉ bưng có mấy viên gạch từ chỗ này sang chỗ khác, có lon ton được ba sai cầm bên này sợi dây để gióng hàng gạch xây cho thật thẳng, đi pha nước chanh, hay đứng ở dưới thang đưa lên cho ba cái máy khoan. Rồi có một lần mình đã tận lớp 11 vẫn được ba nhờ đứng bên này sợi dây mà quấn vô cục gạch để nó không di lệch đi đâu, lóng nga lóng ngóng ba nhờ làm nhiều thứ tuy đơn giản nhưng mãi lúc đó mình không biết cách để làm như thế nào. Có những thứ đến bây giờ vẫn vậy, mình mãi chỉ là con mèo được bảo bọc, thích kể chuyện ngày xưa với ba với mẹ. Có những thứ vẫn vậy, có những bến bờ vẫn luôn như cũ, như bảo mình rằng đấy bám víu vào đây này. Cho dù có mệt mỏi, sợ hãi như thế nào, cho dù có chênh vênh và lo lắng về tương lai, buồn phiền vì bị bỏ lại đằng sau, thì vẫn còn những điều ở đấy để mình nhớ về bản ngã và cố gắng đi tiếp. Vẫn còn những điều đồng hành với mình cho tới những giây phút cuối cùng.
Ngày còn bé khi mà mình đã qua hết cái giai đoạn "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi" rồi thì cũng là lúc mình là một người bạn đủ tầm để anh mình cho thử biết bao nhiêu là trò nghịch ngợm, và cũng từ đó người mình bắt đầu có thẹo, mình được tập chạy xe đạp thả dốc ở con dốc cực đã sát bên nhà nhiều lần đến nỗi dường như con dốc này vì hai anh em mình mà mòn đi vậy, mình bắt đầu tập tành đi chơi net với anh Toàn một tháng 1 lần ở quán Bù Mèo (một cái tên mà dân chơi hệ cắm net hồi bé ở Xuân Lộc sẽ biết) để chơi game 24h (hoặc không làm gì cả cũng đi). Có thẹo trên đuôi mắt trong một lần hai anh em giành giựt cây kiếm nhựa màu đỏ rồi bỗng anh mình thả tay để mình đập đầu vào cái bậc tăng cấp trong nhà. Cái khoảnh khắc chới với đó bỗng mọi thứ nó tắt ngúm và mình cũng không chắc những gì diễn ra sau đó mình có còn nhớ không nhưng chỉ mình sau cú va đó thì mình ngất đi và đi may đến mấy mũi.
Anh mình cho mình cái cảm giác trong cái thế giới rất nhiều thứ hay ho mà không phải chỉ ngồi nhấp nháp xí muội trong bộ váy hiền dịu và thẳng tắp một cách hoàn hảo mà biết được, cái cảm giác rằng mình được thử, mình được phép sai, được phép ngã thật đau nhưng vẫn không tha thiết cần đến ai kéo đứng dậy. Mình được trải nghiệm ở một cuộc sống tuy là của con gái nhưng có một tí trải nghiệm ở cái hệ vận hành của con trai, ở thế giới của con trai họ được thử rất nhiều, họ vấp ngã không phải nhiều lần mà là thực sự nhiều, họ được dạy là phải "đàn ông lên" và nếu không có gì quá khó khăn thì tuyệt đối không nói lời nhờ vả. Tất cả những điều đó đã làm cho mình có được cái tính liều, trong từng vấn đề mình đã lắm lần có những suy nghĩ (với mình) thật sự điên, mình có ảo tưởng rằng mình thực sự có thể làm điều phi thường, một việc can đảm phi thường mà dường như mình cũng có thể cảm nhận được là hai anh mình cũng thế. Nhưng không biết thế này có đúng không nhưng chính cái ảo tưởng đó đôi làm cho ba anh em mình có một sự tự tin không nhỏ, đến cái mức ngông nghênh, kiêu ngạo.
(canh rau nấu với một con sâu siêu to siêu khổng lồ)
Mình không quen nói những điều như này với anh mình nhưng anh mình là người biết sống tình cảm, có thể không với mọi người nhưng ít ra là mình có cảm nhận được. Một cách rất khác, anh mình dạy cho mình cái gọi là không phải cái gì cũng khuôn khổ, giống như việc mình có thể rất yêu chó nhưng mình có thể mạnh tay cầm gậy đập bẹp đầu rắn hay có thể nhẫn tâm đá một con gà chết ngắt cho thỏa mãn cái tính bốc đồng của mình. Mình có thể viết mấy câu chuyện hồi bé con nít như này mà cảm thấy khá thoải mái hơn việc viết một blog self-help, mình không biết nữa nhưng mục đích lập blog của mình là để mình viết này viết kia, viết về mình của hôm nay, và cả những ngày còn bé vì mình sợ biết đâu ở một khoảng thời gian nào đó trong tương lai mình lỡ đâu có quên những điều mà đáng lẽ mình không nên quên, rằng mình đã từng đơn sơ như thế và Nguyễn Phương Uyên đã lớn lên như thế. Mình liệu có đang sống cảm tính quá không nhỉ? Mình cũng chả biết nữa nhưng dạo này mình bắt đầu thấy mình càng ngày càng bé và mỏng manh. Chắc là do nghỉ tết ở nhà nhiều quá, được ăn ngon ngủ kĩ nên đâm ra mình thấy mình được chiều chuộng nhiều quá hay tại ở nhà nhiều nên mình hay nghĩ lung tung, sợ lại buồn vu vơ nữa thì toi. Vậy nên cái tết này mình vẫn còn năng suất lắm, mình làm này làm kia mò mẫm có khi đến một giờ sáng mới lò mò đi ngủ.
Những ngày cuối năm vừa rồi kí ức của mình càng dữ dội hơn về những đêm giao thừa của những những năm trước ở nhà. Cứ 30 Tết là trong mình có một cảm xúc gì đó là lạ, một thứ cảm giác nhè nhẹ yên ắng giống như những đoạn đường buổi đêm không một bóng xe đang mong ngóng chờ đợi điều gì đó tới một cách dè dặt. Những ngày bé của mình mình có rất nhiều người bạn, ngoài anh Toàn và ngoài chó mèo mình còn có chị Linh, chị Nhung, chị Nhi, chị Hằng, rôri. Tất thảy đều là những người bạn mà đã có cùng nhau một tuổi thơ, là kí ức về những buổi đêm chơi đủ thứ trò trên đời và (chắc chỉ còn mình) mãi nhớ về một đêm yên ắng đêm 30 cả đám cùng ngồi trên cái tầng được sắp lên từ những cái bi cống dài, lành lạnh được xếp ngay ngắn theo hình kim tự tháp chờ một ngày được đưa vào sử dụng. Cái khung cảnh lúc đấy như thể cả đám nhận ra dường như mình cũng cần nên hòa vào cái yên ắng của đường xá đêm 30 mà dành cho nó chút gì đó lắng đọng và tự mình khoảng khắc đó thấy sợ sự thay đổi.
Mình sợ thay đổi, sợ mọi thứ sẽ chẳng còn theo cái trật tự cũ, sợ mình và những người bạn của mình sẽ chẳng còn đơn sơ và chịu dành thời gian cho nhau đôi khi chỉ là dành hàng giờ để thay phiên bốc phét với nhau trên lớp mình từng đấm đứa này, rằng là ghét con nhỏ kia lắm, rằng sau khi cho nó một trận thì cái mặt của nó chẳng còn cái kiểu chưng hửng mỗi khi gặp mình nữa. Kiểu như vậy. Mình từng ngồi hàng giờ trước nhà khi mới ăn cơm tối xong mà nhìn vào khoảng đất trống phía bên hông nhà, bây giờ các chị đã lớn cả rồi và mình cũng thế, mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình và nhiều khi cả năm không thấy mặt nhau được 1 lần. Giống như mình từng đọc được ở đâu đó rằng sự vận hành trong cuộc sống cũng giống như trong vật lý, quan trọng là mình lấy vật mốc ở đâu, ở vỉa hè thì nghĩa là xe buýt đang chạy, còn ở trên xe buýt thì nghĩa là nhà cửa đang đi. Nếu mình lấy chính mình làm vật mốc, mình là người chẳng thay đổi, luôn cố gắng như cũ, thì mình buồn vì những sự thay đổi của người khác. Nếu mình lấy những thứ bất biến khác làm cột mốc, mình nhận ra bản thân đã lớn lên chừng nào, đã khác đi chừng nào.
Nhưng có một nhiều thứ vẫn vậy, câu này đã được mình viết lại đến tận ba lần trong bài vì mình có ý thức được rằng việc giữ lại những thứ đơn sơ, thói quen ngày cũ khi còn có thể là một trách nhiệm, sẽ là cảm giác áy náy và đụng tới lương tâm của mình nếu như phá vỡ. Năm nào cũng vậy, dù năm nay có đón giao thừa ở nhà mới chứ không phải ngôi nhà 160 QL1A, tổ 3, khu 8 nữa nhưng mọi thứ vẫn không có gì thay đổi nhiều, ba con vẫn thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm nước mắm, ba ba con mình luôn có một thứ thay đổi là năm nay không uống bia như mọi năm mà lại uống chai rượu do anh Quảng góp vốn như một món quà bù trừ cho sự thiếu xuất hiện của Quảng trong đêm giao thừa.
Và dù có đi đâu, ngôi nhà cũ của mình vẫn luôn là hiểu mình nhất, chứng kiến mọi chuyện diễn ra suốt hơn 24 năm, đã thuộc lòng lòng những nơi mình ngồi thơ thẩn mỗi buổi chiều lúc 5h30 với một cái mặt chưng hửng lên mà nhìn vào cái khoảng không, mường tượng về những thứ thay đổi khi mình lớn lên. Nhưng một điều mà mãi hết mọi buổi chiều ngồi thơ thẫn mình cũng không nghĩ được là việc mình của 5,6 năm sau sẽ ngồi đây mà viết lại những thứ cảm xúc nguệch ngoạc, cỏn con hồi bé.
Comments