top of page
Search

Thời gian

Lâu lâu bất chợt khi đang làm một cái gì đấy mình lại nghĩ ra nhiều thứ hay ho để viết, để kể nhưng mình lại nghĩ tự dưng không không lại viết một bài tẻo teo như thế, thôi để nghĩ thêm cái gì đấy cho nó rộng ra tí rồi hẳn viết cũng được. Rồi vài ngày sau cái suy nghĩ hay ho đó mình lại quên mất.


(nhà mới nhưng không mới, tết 2021)

Mình thích cái cách mà chúng ta có thể sống một lúc hai môi trường khác nhau. Không phải giống như là con người chúng ta có thể sống vừa dưới nước vừa trên cạn như nàng tiên cá mà là chúng mình vì một mục đích nào đó mà tạm thời sinh sống ở một nơi khác. Đó có thể là việc tìm đến một nơi khác để tập trung cho thứ mà chúng mình gọi "đam mê", là "ý nghĩa thực của cuộc sống", hay là cho việc cưới sinh, lập gia đình. Giống như con rùa biển khi chúng cần đẻ trứng thì chúng lại lên bờ, đào một cái hố rồi đẻ trứng xuống đó, đẻ xong rồi lại xuống nước trở lại, vân vân và vân vân lí do để chúng mình (tạm thời) rời nơi mình từng thân thuộc từng con hẻm, biết được người này người kia, có khi là biết cả đại gia đình của người khác rồi được dịp thì mình lại về lại nơi này phút chốc hay hai ba ngày và mọi thứ vẫn ổn. Ở nơi mà chúng ta đang học tập, làm việc và thực hiện hoạt động sống, các mối quan hệ chúng mình dường như tạo cho nó một không gian riêng, nhỏ bé cất ở một nơi khác, hiện tại chúng mình chỉ đang sống là những cá thể trong một gia đình. Chỉ có thế thôi, có những điều hiển nhiên, vụn vặt nhưng đôi khi làm mình thắc mắc và có cảm giác là lạ.


Khoảng thời gian mình nhớ rất nhiều điều về Xuân Lộc là khoảng mình của 8 tuổi, đến bây giờ khi mình đã lớn thêm được 11 tuổi thì mỗi khi từ Thủ Đức về mình vẫn cứ nghĩ mình vẫn 8 tuổi, còn Xuân Lộc đã 19. Và mình khi ở nhà cũng thế, mình chỉ 8 tuổi.


(ktx khu A)

Đó là cách nói của Céline trong Before Sunrise từng nói với ngôi mộ vô danh trong một nghĩa trang vô danh ở Vienna. Cô từng đi thăm nơi này khi cô 13 tuổi, cô nói cô đã ngắm ngía ngôi mộ này rất lâu vì đây là một phần mộ của một cô gái 13 tuổi, cùng tuổi với Céline lúc bấy giờ. Và giờ cô trở lại đây trong một cách cố ý tình cờ, cô gặp lại cô gái năm xưa và cô nói bây giờ cô đã già thêm 10 tuổi nhưng cô gái này vẫn chỉ mới 13. Cái chết cô đơn của cô bé 13 tuổi ấy cô đơn và hiu quạnh, chẳng ai biết và chẳng ai mong, dưới cái nhìn nhận của Céline dường như cái chết này, linh hồn của cô bé khi mất đi thật nhẹ nhàng và thanh thản. Cô bé chẳng luyến lưu gì một nơi ồn ào như này mà cứ thế ngủ thiếp đi, lưu lại tuổi 13 ngây thơ, xinh xắn ấy như cái cách người ta vẫn hay lưu những dấu ấn trong cuộc đời cho một con số tròn trịa như tuổi 18 hay kỉ niệm 30 năm ngày cưới.


Mình có cùng suy nghĩ với Céline rằng là sẽ không có một kiếp sau giống như kiếp này của mình, mà khi mình chết đi thứ còn lại chính là những tình yêu đẹp đẽ, ở nơi mà những linh hồn bé xíu, trắng tinh trong tầng mây mỉm cười với những người mà mình yêu nhất, mãn nguyện và cứ mỉm cười như vậy thôi. Đấy là điều mình tự lí giải với mình của những ngày bé xíu. Hồi bé khi mới bắt đầu học giáo lý ở nhà thờ mình được đón nhận rất nhiều thông tin về cuộc sống vĩnh hằng ngày sau với Chúa Trời nên mình đâm ra cứ hỏi suy nghĩ và hỏi mẹ mãi một câu: "Sau này mình chết đi rồi sao nữa mẹ, mình ở trên đó và cứ vậy thôi à?". Câu trả lời như trên và đến bây giờ mình vẫn nghĩ như thế, thế mới bảo là mình mới có 8 tuổi còn thế giới này thì rất già rồi.


Cách đây hai tuần mình có đọc một cuốn tiểu thuyết của Marc Levy tên là "Ghost in Love" do Nhã Nam xuất bản. Văn phong hóm hỉnh, lôi cuốn, phảng phất buồn và đặc biệt câu chuyện mang một nét rất rất điện ảnh khi tác giả chú trọng phần miêu tả những tiểu tiết trong truyện đã làm mình đọc hết 320 trang sách vỏn vẻn trong hai ngày.


(đoạn này có spoil)


Lần đầu tiên mình có ấn tượng với thể loại tiểu thuyết, nó đến một cách rất tình cờ khi mình trở về kí túc xá sau một tháng về quê ăn tết với gia đình. Giống như ngày đầu mới lên, mình vẫn là người lên sớm nhất phòng và ngủ một mình trên tầng 4, im ắng và nhiều phòng còn trống. Lo sợ rằng mình sẽ nghĩ linh tinh tự mình doạ mình nên mình thường tìm một cuốn sách để đọc ngấu nghiến quên thời gian. Và lần này lên mình đã mượn một cuốn sách tiểu thuyết cũng nhỏ gọn trên bàn đứa cùng phòng nhưng trùng hợp làm sao, tựa sách rất phù hợp với bối cảnh của mình hiện giờ: "Ghost in Love".


Chúng mình hãy thử nghĩ xem nếu một ngày bỗng người thân của mình đã mất từ lâu, nay lại ở trước mặt, trò chuyện và nhờ mình thực hiện giúp một tâm nguyện thì mình sẽ có cảm giác như thế nào? Liệu nó là cảm giác gì đó rùng mình lành lạnh hay là cảm giác của một ánh mắt nhớ nhung, trách móc muốn ôm vào thật chặt cái con người đó vì đã rời bỏ mình đi như thế? Mình có đủ bản lĩnh để trở thành kẻ tâm thần trong mắt người khác khi nếu tìm đến ai đó và kể lại câu chuyện vô lý này không?


Truyện mở đầu bằng cảnh Thomas, một nghệ sĩ dương cầm đang tập đi tập lại bản "Concerto số 2" của Rachmaninov trong một khán phòng biểu diễn lớn. Bỗng một ngày bằng một cách tình cờ anh phát hiện ra mình có thể thấy được bóng dáng của ba của mình, người đã mất cách đây 5 năm và giờ đây ông ấy đang ở đó, trò chuyện cùng anh và nhờ anh thực hiện một ước nguyện. Ước nguyện đó là điều đã khiến cho linh hồn bố Thomas còn "lưu luyến" trần gian. Ông nhờ anh đi từ Paris đến San Fransico dự lễ tang của Camille, người tình của ông (không phải mẹ Thomas), để toang đánh cắp tro cốt của để hai tro cốt của hai người hoà quyện vào nhau vì ông nghĩ họ có thể hạnh phúc bên nhau ở một thế giới xa xôi nào đó khi làm như vậy. Một tình yêu mà hai người đã tạm gác lại ở thế giới bên này để thực hiện ở một thế giới khác. Và ở đó, Thomas đã gặp Manon, con gái của người tình của bố, họ nhận ra nhau đã từng có những ngày tháng chơi đùa cùng nhau và họ đã yêu nhau.


Tình yêu của bố Thomas dành cho con trai mình thấy được sự thiết tha, có phần van nài Thomas vì lần này được gặp con trai ông muốn bù đáp lại cho anh những khoảng trống mà ông đã không ở bên cạnh và chỉ bảo anh những bài học cần thiết để trở thành một người đàn ông. Ông muốn chỉ cho con trai mình biết cách tận hưởng cuộc sống, tự do chơi bời chứ không phải suốt ngày chỉ biết đến các bản nhạc của Rachmaninov và ru rú ở khán phòng để tập luyện hết lần này đến lần khác. Ông muốn chỉ cho Thomas cách để yêu một người và phân biệt được đâu là tình yêu và đâu là trách nhiệm phải giữ tình yêu lẫn nhau ở các mối quan hệ ràng buộc như ông đã làm với mẹ con Thomas. Nhưng có một câu hỏi Thomas hỏi bố mình khi anh còn bé ở bức thư đầu câu chuyện cho đến tận lúc anh sắp xa bố anh lần nữa và bố anh mãi vẫn chẳng thể nào trả lời được, "Bố ơi, bố nói xem, làm bố là thế nào vậy ạ?".


Trong cuốn tiểu thuyết lần này, tình yêu của Marc Levy nó khác với những câu chuyện mình từng đọc về tình yêu, khi bố của Thomas yêu Camille và cả hai người đều đã có gia đình. Họ cho con họ đi học cùng nhau và chơi cùng nhau để lấy cớ gặp gỡ. Thoạt nghĩ thì thấy hai người họ đáng trách thật nhưng mà làm gì có ai lại điều khiển trái tim của mình được cơ chứ. Họ vẫn giữ yên ấm cho chính gia đình của họ và lựa chọn ở bên nhau ở một thế giới khác.


"Sự thực là ta chỉ chết có một lần thôi nhưng bù lại ngày nào ta cũng được sống". Những nút thắt trong truyện được Marc Levy gỡ rất khẽ, rất chậm để dẫn đến một cái kết dễ đoán và dễ chấp nhận. Vì bởi lẽ khi một người cha đi nhờ đứa con hoàn thành ước nguyện tình yêu của mình với một người phụ nữ khác không phải là mẹ nó thì đã là một chuyện khó khăn. Và có những tình yêu không chỉ dừng lại ở những rung động ban đầu như Sam Baldwin từng nói trong Sleepless in Seattle: "It was a millon tiny little things that, when you added them all up, they ment we were supposed to be together... and i knew it. I knew it the very first time I touched her." mà nó đã trưởng thành sau cuộc sống hôn nhân, một tình yêu đủ lớn để đảm nhiệm trọn vẹn trọng trách tình yêu đời này và gặp nhau ở một thế giới khác với tình yêu của mình.


Đây là lần đầu mình được trải nghiệm cái cảm giác có thể vừa đọc sách vừa có thể tưởng tượng ra từng source, từng thoại của một bộ phim điện ảnh kiểu Mỹ. Không biết có phải là do mình bị ảnh hưởng bởi phim Mỹ nhiều quá hay không nhưng mình cảm thấy trong truyện, cái bối cảnh nó rất Mỹ, rất điện ảnh, những câu thoại cũng rất Mỹ. Vì cái cách nói hóm hỉnh của người Mỹ nó rất khác với cách nói hài hước có phần châm chọc và thẳng thắn của người Pháp và vì mình biết là đa phần những người Pháp bên trong họ có một sự nổi giận đáng sợ, họ cáu kỉnh, họ hay than phiền về cuộc sống, về thời tiết, họ thích nói về tình dục và bàn luận về những câu chuyện chính trị, họ thích tranh luận. Và đôi khi điều đó thực sự khó cho riêng mình khi phải tưởng tượng nhân vật nói tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà mình chả biết gì cho nhẵng, nên một cách rất chủ quan, bộ phim đang diễn ra trong đầu mình thoại là tiếng Anh, một khung cảnh rất Mỹ.


(Bôn, ngày 7 tháng 8 năm 2020)

Về phần mình của những ngày Tết 2021, trong một buổi chiều tết của 2021 mình về nhà cũ để đi mừng tuổi nhà một bác hàng xóm cũ ở cái con dốc mình từng đã thả cho cái xe đạp mình trôi theo tất cả những mát mẻ của tất cả những buổi chiều, tất cả những vô tư của mình khi còn bé đến mòn cả con đường. Có thể nói dường như căn nhà đó đã chứa rất nhiều hình ảnh của mình, khi bé được bà giữ mỗi lúc ba mẹ đi vắng, rồi mình giữ cháu của bà khi còn tẹo teo, đen thui khi 4-5 tuổi rồi đến 6-7 tuổi và đến khi mình vẫn tẹo teo, đen thui lớp 6 mình mới "thôi chơi" với bà. Việc mình không còn hay qua nhà bà nữa xảy ra khi mình đã lên cấp hai theo một cái cách rất tự nhiên mà người ta vẫn hay dần quên đi thói quen cũ thuận theo nhịp sống và nhu cầu hằng ngày. Nhưng căn nhà này mỗi khi mình đi vào bên trong thì hình ảnh mình khi còn bé với tô cơm dằm trứng chiên, xịt nước tương hiện lên rất rõ. Mình chưa bao giờ nghĩ là 18 năm lớn lên của mình nó nhanh, nó là một chặng đường thật sự dài, mình thấy dài 1 thì ba mẹ mình thấy dài đến ngán ngẫm tới 10 lần. Mình tự cảm nhận điều đó qua cái nụ cười xùy xòa của ba mình khi nghe mình nói điều đó, "đó là cả một quá trình đó con, vất vả lắm!". Thật tình là cái cảm giác đó làm mình buồn cười thế nào, như thể một cụ già gần 80 tuổi nói với đời rằng giờ cụ làm lại từ đầu nhé, thế đời có chịu nuôi tôi lần nữa không và đời lắc đầu ngán ngẩm xin thua vậy. Buồn cười thật. (Ở đây mình gọi bố mình khi mình 80 tuổi là "đời"). Cảm giác đó lại càng mạnh hơn khi mình nhìn vào trong đôi mắt long lanh đầy nụ cười của thằng Tí và thằng Chuột cháu bà Sáu, đôi mắt từng mong ngóng mình thực sự nhiều lần mình qua chơi nhưng mình vô tình, mình chả biết nữa.


Đôi khi sự trưởng thành là thứ khiến mình áy náy. Trưởng thành khiến con người ta vô tình với những thứ đã từng gắn bó một khoảng thời gian dài, với những thứ mà đối với mình nó nặng lòng lắm. Mình ghét cái gọi là quy luật cuộc sống, nó chẳng có tác dụng gì thấy cho ra nhẽ ngoài cái cảm cảm giác bất lực không thể thay đổi. Liệu chúng mình lớn lên đến cuối chặng đường đời mình còn lại điều gì bên đời nhỉ? Cho đến khi mình lên đại học và bắt đầu cuộc sống sinh viên mình nhận ra mình sợ thay đổi, mình có nhiều niềm vui, mình có nhiều hơn cái cảm giác yên tâm rằng cuộc đời mình đang đi đúng hướng khi trong tay nắm mấy cái dự định cỏn con, những kiến thức ít ỏi mà mình gọi là kiến thức chuyên ngành, nó có thật sự đúng không.


Mình sợ lần này mình không đúng, rồi mình sẽ lớn thật nhanh, rồi sẽ cuốn theo các niềm vui thích của mình, những mối quan hệ, như đúng cái gọi là "quy luật cuộc sống" như thế. Chưa bao giờ mình thấy sự thay đổi mọi thứ trong tương lai, về mình, nó rõ ràng như vậy. Mình sợ mình sẽ thay đổi, sẽ chẳng còn buồn nữa, sẽ chẳng còn hay khóc về những điều mình từng hay khóc. Mấy ngày gần đây mình dần dần nhận thấy một dấu hiệu báo hiệu sự thay đổi đó sắp bắt đầu rồi, nó rõ ràng. Mình không còn nói chuyện nhiều với ba với mẹ nữa, không còn cùng làm này làm kia như đứa con gái nhỏ suốt ngày theo chân ba xem ba sửa nhà, cho gà ăn hay cùng coi một bộ phim hay nói chuyện mỗi khi dọn dẹp chén đũa cho bữa tối xong về trăng hôm nay như thế nào. Rằng bây giờ mình ngờ ngợ nhận ra trong suốt 19 năm nay thì chỉ có duy nhất có một người mà mình có thể nói chuyện say sưa và tìm thấy được sự connect như Jesse và Céline trong cái đêm ở Vienna (Before Sunrise). Jesse và Céline đó giống hệt như mình của hồi bé với ba mình của những ngày có con gái mình là nhất là tuyệt vời nhất trên cõi đời mà cóc thèm nghĩ đến những nỗi lo âu kia. Và bây giờ những nỗi lo âu bắt cóc ba mình đi rồi, và mình cũng sợ nó cũng sắp bắt mình đi. Nhân đây mọi người hãy nghe thử bài Bắt cóc của Cam đi, mình hứa là sẽ có nhiều thứ để suy nghĩ trong bài hát này, tiện cho một lúc não chúng mình nghĩ ngơi để suy nghĩ về các mối quan hệ, những người thân yêu, ba mẹ và đó là một suy nghĩ đẹp đẽ.


Mình có hai bài đang nằm trong mục draft từ khi mình viết đến blog thứ 3 thứ 4 gì đấy nhưng phân vân mãi vẫn chưa quyết định viết hoàn chỉnh. Đó là một bài mình viết về người quan trọng đời mình- ba mình và một đứa ngọt ngào- Nâu, con chó anh mình đem từ đợt nhập ngũ và mất trước Bôn hai tháng 21 ngày. Lí do mà mình chưa hoàn thiện xong là trong bài để kể về hai nhân vật này thì có khá nhiều thông tin khá riêng tư, nhưng cũng chẳng riêng tư gì, chỉ là tên của người này người kia chẳng to tát gì nhưng chắc mình sẽ nói về ba trong bài này.


Ba là tuổi thơ của mình và cũng là những dằn vặt của mình.


Người ta vẫn nói con gái là người tình kiếp trước của ba. Với ba con mình, mình thấy câu này chẳng sai. Mình thương ba mình theo một cách thương rất khác với mẹ (mẹ mình sẽ buồn cho coi nếu đọc được cái blog này), với anh, với tình yêu của mình cho buổi chiều. Cũng như mọi buổi chiều thả dốc, rong ruổi, buổi tối nào của mình cũng có một thói quen vui thích khác, với một cái nét vô tư như thế. Cơm tối đã xong tầm tám giờ tối, đến giờ uống nước trà tráng miệng, xỉa răng của ba mình đồng thời là giờ ngắm trăng, ngắm đường phố của Nguyễn Phương Uyên gầy nhom. Nếu như trong Before Sunrise (sorry nhưng mình bị ấn tượng hơi nhiều với bộ phim mới coi) thì hai nhân vật này có thể nói chuyện say sưa từ trên tàu đến mãi sáng hôm sau ở Vienna thì hai ba con mình cũng có thể nói chuyện say sưa từ khi ăn tối xong cho đến khi vào mùng chuẩn bị ngủ. Mình còn nhớ như in cục đá to bằng cái kệ inox để dép ba tầng lập ngang lại, nó ở ngay chỗ cây cau trồng trước nhà cũ. Mình không ngồi lên đùi ba, mình ngồi bên cạnh ba cùng với đôi bàn tay đang chụm rúm rít ngay hai đầu gối và hai ba con cùng nói về địa điểm này địa điểm kia trên Việt Nam, về kí ức của ba về "hồi xưa" giống y nhưng cái cách mình kể chuyện trong mấy cái blog này và một chủ đề nhiều lần hơn tất thảy là tiếng Anh. Vốn từ vựng tiếng anh của ba mình không thực sự đỉnh nhưng nó đủ sài, vẫn hiểu được nếu gặp một cái packing toàn chữ tiếng Anh mà đôi khi mình còn ngờ ngợ không biết suy đoán của mình có đúng không.


Mình rất thích tìm tòi, muốn biết đến ngóc ngách của nơi này nơi kia trên thế giới để mà kể với người này người kia, để kể với ba mình về những thứ hay ho, văn hóa, ngôn ngữ, con người ở một cái đất nước xa xôi. Mình từng coi ngấu nghiến chương trình tên là "Nhật kí hành trình" được chiếu trên VTV9, một cái tên mà mình dù tìm kiếm đủ nhiều lần nhưng vẫn chưa bao giờ nhớ chính xác và nhầm lẫn với hầu hết các chương chương trình du lịch như hành trình du lịch hay du lịch hành trình gì đấy. Và mình thừa nhận mình sở hữu cái tính thích biết này biết kia là nhờ ba mình đã thường xuyên dẫn mình đi khắp nơi trên bản đồ Việt Nam mỗi tối khi bé xíu. Nhà cũ mình ở phòng khách có dán một một tấm bản đồ bự thật bự, mỗi tối ba mình lại chiếu cái đèn pin với ánh sáng chút xíu từ cái điện thoại đập đá để rọi hết nơi này đến nơi khác trên tấm bản đồ hình chữ S mà mình thì chả cao đủ để coi tới những khúc từ Huế trở ra ngoài Bắc.


Mọi chuyện thật đáng nhớ, từng chi tiết, từng khoảnh khắc ngày bé và mình nhìn lại cuộc sống xung quanh của mình bây giờ khi lớn lên mình thấy nó cứ thế nào. Là do mọi thứ xung quanh trống rỗng hay do mình vô vị thế?










58 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page